Chủ động tiêm vaccine là biện pháp phòng, chống bệnh cúm hiệu quả
15/02/2025
Trước tình hình số trường hợp mắc cúm gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong thời gian dịp Tết Nguyên đán, ngày 8/2, Bộ Y tế đã gửi văn bản chỉ đạo về việc tăng cường phòng, chống bệnh cúm, trong đó khuyến khích người dân chủ động tiêm vắc xin phòng cúm để đảm bảo miễn dịch.
Số ca mắc cúm tại Việt Nam vẫn có xu hướng gia tăng với các tác nhân chủ yếu là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Theo đó, điều kiện thời tiết mùa đông - xuân với khí hậu ẩm thấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển và lây lan. Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại, giao thương và các hoạt động lễ hội đầu năm tăng cao làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.
Để tiếp tục chủ động các biện pháp phòng, chống và kiểm soát tình hình bệnh cúm mùa, ngày 8/2, Bộ Y tế đã ban hành văn bản số 656/BYT-DP gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Khuyến khích người dân cần chủ động tiêm vaccine phòng cúm,nhằm nâng cao hiệu quả phòng bệnh. Việc tiêm vaccine không chỉ bảo vệ sức khỏe cá nhân mà còn góp phần ngăn chặn sự lây lan của virus trong cộng đồng. Đặc biệt đối với người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu, người mắc các bệnh nền, bệnh mạn tính, bệnh ung thư, phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi nên chủ động tiêm phòng cúm hàng năm để phòng bệnh.

Ngoài việc chủ động tiêm vaccine phòng bệnh cúm cho bản thân và gia đình, người dân cũng cần chú ý thực hiện các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất và tránh tiếp xúc nơi đông người. Khi có triệu chứng nặng như khó thở, tím tái, lơ mơ, hạ thân nhiệt, cần nhập viện ngay để được điều trị kịp thời.
Hồng Nhung (Tổng hợp)